NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI MUA MÁY CẮT LASER ĐỂ CẮT KIM LOẠI

Máy cắt laser fiber

Nên mua máy cắt laser CO2 hay máy cắt laser fiber? Có nên mua máy cắt laser cũ không? Đó là câu hỏi mà bất kỳ ai khi muốn mua máy cắt laser để cắt kim loại đều muốn biết câu trả lời. Cách thông thường nhất là hỏi những người bán hàng máy cắt laser và những lời tư vấn của họ càng khiến bạn bối rối hơn.

Người bán máy cắt Laser CO2 thì nói đường cắt của máy cắt laser CO2 đẹp hơn và cắt được vật liệu dày với tốc độ nhanh hơn nguồn laser Fiber. Máy cắt laser fiber rất đắt, giá cao hơn nhiều so với máy cắt laser CO2 cùng kích thước và công suất. Thậm chí họ còn nói nguồn laser Fiber phải nạp lại khí tạo laser sau một thời gian sử dụng và chi phí này rất tốn kém ??? (Không biết vô tình hay cố ý mà họ đã đưa thông tin sai lệch. Thật ra nguồn laser fiber không dùng một nguồn khí nào để tạo laser cho nên không cần phải nạp lại cái gì cả).

Người bán máy laser Fiber thì bảo chi phí vận hành (chi phí tiền điện, tiền khí và chi phí thay thế các chi tiết tiêu hao) của nguồn laser fiber thấp hơn nhiều so với nguồn laser CO2. Máy cắt laser fiber là công nghệ mới nhất hiện nay, máy không cần bảo trì bảo dưỡng phức tạp và tốn kém như máy cắt laser CO2. Đặc biệt máy cắt laser fiber có thể cắt được các vật liệu phản quang như đồng, nhôm…mà máy cắt laser CO2 không thể cắt được.

Người bán máy cắt laser cũ thì nói việc gì phải bỏ một số tiền lớn để mua máy mới làm gì. Chỉ cần bỏ ra chỉ khoảng 1/4 số tiền đó là có thể mua được một máy cắt laser cũ hiệu Amada của Nhật rồi. Tuy là máy cũ sản xuất cách đây khoảng 20 năm nhưng vẫn còn tốt lắm, còn sử dụng được vài chục năm nữa. Cho nên đầu tư máy cắt laser cũ của Nhật là lựa chọn thông minh nhất.

Vậy thật ra giữa 3 lựa chọn trên thì lựa chọn nào là tốt nhất? Trong bài viết này bằng những trãi nghiệm thực tế của mình, tôi sẽ cố gắng đưa ra những nhận định khách quan nhất có thể (mặc dù điều này là không dễ dàng) nhằm giúp bạn có được sự chọn lựa phù hợp nhất.

Điều đầu tiên tôi có thể nói đó là: lựa chọn nào tốt nhất còn tùy vào nhu cầu và ngân sách của bạn. Công nghệ laser CO2 hay fiber đều có những ưu và nhược điểm riêng, không cái nào hoàn toàn vượt trội hơn để có thể thay thế cái kia. Đó là lý do cả hai cùng tồn tại (ít nhất là cho đến thời điểm cuối năm 2016). Thật ra những người bán hàng chỉ nói với bạn một nữa câu chuyện, họ chỉ nói những ưu điểm mà không nói gì đến khuyết điểm của công nghệ họ đang bán.

Tôi nói còn tùy là vì nếu nhu cầu của bạn cần cắt vật liệu có tính phản quang cao như: đồng, thau, nhôm…hoặc cần cắt kim loại mỏng thì laser fiber là lựa chọn tốt nhất (ngoại trừ nếu bạn chấp nhận độ chính xác và yêu cầu đường cắt không quá cao thì có thể dùng máy cắt plasma cnc).

Một số mẫu cắt trên máy laser fiber

Còn nếu bạn muốn cắt kim loại dày trên 5 mm với tốc độ cao và yêu cầu độ mịn đường cắt cao thì laser CO2 có vẻ phù hợp hơn.

Nếu ngân sách của bạn không đủ để mua máy laser mới mà bạn không muốn dùng máy cắt plasma cnc thì mua máy laser cũ có vẻ là giải pháp “tạm thời” phù hợp.

Trước tiên tôi sẽ phân tích sự lợi và hại khi mua máy cắt laser cnc cũ, sau đó tôi sẽ phân tích ưu nhược điểm của công nghệ laser CO2 và Laser fiber để bạn có cái nhìn tổng quan hơn. Từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với mình.

Để mua một máy cắt laser kim loại mới có kích thước cắt hữu ích 1500 x 3000 mm và công suất nguồn laser khoảng 2000 W (cắt được sắt có độ dày khoảng 14 mm), bạn phải bỏ ra số tiền từ 6 – 10 tỉ đồng tùy hãng sản xuất. Tuy nhiên chỉ cần bỏ ra chưa đến 1/3 số tiền đó (chỉ từ 1 – 3 tỉ) khi mua máy cắt laser cũ với cùng thông số như trên. Cho nên đây được xem là một giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Thậm chí cách đây vài năm nó còn được xem là giải pháp tiết kiệm thông minh. Nhưng đó có thực sự là lựa chọn sáng suốt? nếu có cơ hội để chọn lại những doanh nghiệp đó có quyết định mua máy cắt laser cũ nữa không? Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về máy cắt laser kim loại cũ nhé.

Máy cắt laser kim loại cũ được nhiều người rao bán hoặc tìm mua nhất từ trước đến nay là máy cắt laser CO2 của hãng Amada của Nhật. Ngoài ra còn có của hãng Trumf của Đức, nhưng ít thông dụng hơn. Các máy này được sản xuất từ những năm 1984 – 2000 ( tức là có tuổi thọ trên 15 – 20 năm. Máy có năm sản xuất càng cao thì giá cũng càng cao) được các nhà máy ở Nhật thanh lý. Sau đó, được một số công ty ở Việt Nam nhập về tân trang lại. Máy nào còn chạy được thì bán máy sống, cũng có một vài máy không chạy thì bán linh kiện hoặc bán sắt vụn ( nên việc nhập máy cũ cũng có rủi ro là vậy. Các chi phí này được dồn vào máy sống). Máy này sau đó có thể được bán lòng vòng qua một số công ty trước khi đến tay người mua cuối cùng (có công ty mua về sử dụng được 1 – 2 năm sau đó bán rẻ lại cho đơn vị đã bán máy cho họ. Đơn vị này tân trang lại và bán cho khách hàng khác).

Máy cắt Laser CO2 hiệu Amada cũ

Công bằng mà nói máy cắt laser cũ cũng góp vai trò tích cực giúp các doanh nghiệp giảm chi phí khi đầu tư máy ở buổi ban đầu khi doanh nghiệp còn nhỏ chưa đủ sức mua máy mới. Nếu may mắn người mua có thể mua được chiếc máy được đời chủ trước ít sử dụng nhưng bảo trì bão dưỡng cẩn thận. Máy này có thể hoạt động tốt (ít hư hỏng) trong khoảng 5 – 10 năm nữa. Còn lỡ như mua phải chiếc máy đã được tận dụng triệt để hoặc qua nhiều người sử dụng thì như rước cục nợ về nhà.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng ở vài năm trước khi mà lúc đó không có lựa chọn tốt hơn. Còn hiện tại ngay cả khi bạn mua được chiếc máy cũ còn “ngon” đi nữa thì những gì phải trả giá trong quá trình sử dụng mà tôi sẽ nói ở phía sau cũng khiến nó trở thành lựa chọn thiếu sáng suốt.

Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về máy cắt laser dùng nguồn CO2. Sở dĩ gọi là laser CO2 vì người ta cho hỗn hợp khí gồm chủ yếu là CO2 cùng với Heli, Nitơ (sau đây gọi là khí trộn) chạy qua tia plasma trong ống phóng từ đó tạo ra ánh sáng laser. Máy cắt Laser CO2 có hai loại khí là khí để tạo Laser và khí cắt (khí cắt là khí được phun ra khỏi đầu cắt để thổi bay phần kim loại bị tia laser nung chảy để tạo nên đường cắt). Đối với công suất nhỏ vài trăm watt khí CO2 được nạp luôn vào ống phóng, sử dụng khoảng vài trăm giờ là phải thay ống phóng khác. Đối với công suất lớn khoảng 1 kW trở lên, thì trên ống phóng có nơi để nối với nguồn khí trộn bên ngoài.

Khi mở máy lần đầu tiên hệ thống bơm chân không sẽ hút toàn bộ khí trộn còn trong ống phóng ra. Sau đó mới nạp khí mới từ bình khí bên ngoài vào. Sau đó bắt đầu quá trình tạo tia laser. Cho nên các máy Laser CO2 từ lúc mở nguồn cho đến lúc cắt được mất khoảng 15 phút (Các máy đời cũ thậm chí còn lâu hơn). Vì vậy một khi đã mở nguồn điện, sau khi cắt xong mà tạm ngừng thì người ta vẫn để điện vào máy chứ không tắt điện, vì nếu tắt điện thì khi mở lại phải chờ quá trình khởi động laser. Khi không cắt điện năng tiêu thụ = 50% lúc cắt => Rất tốn điện.

Tuổi thọ ống phóng laser CO2 khoảng từ 1.000 – 10.000 giờ ( tùy theo nhà sản xuất). Yêu cầu bảo dưỡng, cân chỉnh gương phức tạp. Có một điều mà những người bán máy laser CO2 sẽ không đề cập đến, và người mua chỉ quan tâm đến giá mua máy ban đầu mà quên đi một điều này (một điều rất quan trọng) đó là chi phí vận hành bảo dưỡng máy.

Nên nhớ khi đến tay người mua thì máy laser cũ đã có tuổi thọ 15 – 20 năm thậm chí hơn nữa, tuổi thọ ống phóng laser sắp hết. Cho nên phải tốn chi phí thay ống phóng laser và cả các gương hội tụ nữa. Các chi phí này không hề rẻ. Các gương hội tụ cũng phải được định kỳ thay thế sau một số giờ sử dụng.

Có một điều cực kỳ quan trọng đó là máy cắt laser CO2 cũ rất dễ bị bệnh mất hội tụ tia laser. Có một ngày đẹp trời nào đó bổng dưng máy không cắt được nữa hoặc chỉ cắt được vật liệu dày chỉ bằng 1/10 so với trước đó. Đó là do hệ thống gương bị lệch hoặc do bộ nguồn laser bị giảm công suất. Cần phải cân chỉnh lại. Cho đến thời điểm năm 2015 chưa có đơn vị nào ở Việt Nam sửa được bệnh này. Mà phải thuê một nhóm chuyên gia từ Thái Lan sang.

Được biết các chuyên gia này trước đây làm việc cho hãng Amada, sau đó, họ nghỉ việc và làm riêng. Công việc của họ là chuyên sửa chữa máy laser CO2 của Amada ở khu vực Đông Nam Á. Mỗi lần mời chuyên gia Thái Lan sang để sửa bệnh này mất chi phí khoảng 5000 – 6000 USD (Bao gồm vé máy bay và phí ăn ở của chuyên gia). Đặc biệt vấn đề này rất dễ bị trở lại, nhanh có thể 1 vài tháng, chậm có thể 1 năm. Và mỗi lần như vậy đều phải tốn phí (họ chỉ bảo hành 1, 2 tháng).

Tôi có anh bạn mua máy cắt laser CO2 công suất 2000W của Amada với giá 1,8 tỉ đồng, máy được bảo hành 6 tháng. Nhưng đã 6 tháng trôi qua mà máy vẫn chưa được nghiệm thu vì máy chưa bao giờ chạy ổn định được 1 tháng (điều kiện để nghiệm thu). Cứ một hai tuần máy là bị sự cố, đường cắt bị răng cưa, hoặc cắt không đứt. Sau đó thì máy bị mất hội tụ tia laser, nhà sản xuất phải mời chuyên gia bên Thái Lan sang để sửa (chi phí theo anh biết là khoảng 5000 USD). Cũng may cho anh là máy vẫn chưa nghiệm thu nên chi phí do đơn vị bán máy trả. Sau khi cân chỉnh máy cắt rất ngon, anh cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì máy cuối cùng cũng chạy được như mong muốn. Nhưng niềm vui chưa lâu, vì chỉ khoảng hơn 1 tháng máy lại bị sự cố, phải mời chuyên gia Thái Lan sang (Đơn vị bán máy phải trả khoảng 5000 USD nữa). Lúc này thì anh bắt đầu thấy lo lắng thật sự (mặc dù chưa phải trả tiền sửa máy). Nhưng anh lo sợ sau khi hết bảo hành không biết trong một năm tiếp theo sẽ phải mời chuyên gia Thái Lan qua bao nhiêu lần nữa. Chưa kể chi phí cho khí trộn khá đắt và chi phí thay thấu kính hàng tháng cũng không phải nhỏ.

Theo ước tính trung bình chi phí bảo trì bảo dưỡng máy cắt laser CO2 vào khoảng 6000 USD/năm đối với các máy mới. Còn đối với máy cũ chi phí này cao hơn nhiều.

Nhược điểm của máy cắt laser fiber so với laser CO2 là hiện nay giá máy còn cao. Ở độ dày vật liệu từ 5mm trở xuống hoặc khi cần cắt kim loại có tính phản quang cao thì laser fiber chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Vì có tốc độ cắt nhanh gấp 3 lần so với laser CO2 ở cùng công suất, chi phí cho mỗi mét cắt cũng rẻ hơn rất nhiều, đường cắt có độ mịn tốt. Nhưng khi cắt vật liệu có độ dày trên 5mm thì độ mịn đường cắt giảm và tốc độ cắt bằng hoặc chậm hơn so với laser CO2 một chút.

Nói như thế không có nghĩa là máy cắt laser fiber không cắt được vật liệu dày, chỉ là ở vật liệu dày thì tốc độ cắt chậm hơn so với laser CO2 cùng công suất và độ mịn đường cắt không bằng. Tuy nhiên, vẫn thừa sức đáp ứng được các yêu cầu cho hầu hết các ứng dụng cần cắt kim loại.

Xét về hiệu quả kinh tế khi đầu tư thì máy cắt laser fiber thì bỏ vốn ban đầu cao hơn, nhưng về sau không phải tốn thêm nhiều chi phí nữa. Còn laser CO2 vốn đầu tư ban đầu ít hơn, nhưng về sau phải bỏ chi phí ra ngày càng nhiều. Sau khoảng 2 năm tổng số tiền mua máy và chi phí vận hành của máy cắt laser CO2 sẽ bằng với tổng số tiền mua máy và vận hành của máy cắt laser fiber.

Đến đây chắc bạn bạn cũng phần nào trả lời được câu hỏi đã đưa ra ở đầu bài. Nhưng phải chăng máy cắt laser fiber nào cũng tốt? hay nói cách khác là điều gì quyết định đến chất lượng của máy cắt laser fiber? Trong bài viết sau tôi sẽ phân tích kỹ hơn về vấn đề này.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Nguyễn Hồng Sơn – GĐ Công ty Cổ Phần Tự Động Hóa Sơn Vũ- Chuyên sản xuất máy cắt plasma cnc và laser cnc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.