Dịch vụ sửa chữa nguồn laser fiber
Nguồn laser fiber là trái tim và là thiết bị đắt tiền nhất trên máy cắt laser fiber. Nó có thể chiếm đến hơn 60% giá trị máy.
Cũng như các thiết bị điện tử khác thì nguồn laser fiber cũng sẽ hư hỏng sau một thời gian sử dụng. Đối với một số lỗi thì có thể reset được qua phần mềm từ xa. Một số lỗi nghiêm trọng phải gửi nguồn laser fiber về nhà sản xuất để thay thế thiết bị bên trong (ví dụ thay module) với chi phí rất đắt đỏ và tốn thời gian do phải gửi nguồn ra nước ngoài rồi vận chuyển trở lại.
Việc sửa chữa nguồn laser fiber còn liên quan đến phần mềm, tức là sau khi thay linh kiện phải reset lại trên phần mềm thì nguồn laser fiber mới hoạt động lại được. Việc này phải có sự cho phép của nhà sản xuất, nên gặp nhiều khó khăn hơn so với các thiết bị điện tử thông thường.
Hiện tại không phải tất cả, nhưng chúng tôi đã có thể sửa chữa được một số lỗi từ nhẹ đến nặng của nguồn laser fiber, tùy tình trạng hư hỏng thực tế.
Bên trong nguồn laser fiber
Tuổi thọ của nguồn laser fiber ?
Có nhiều thông tin cho rằng tuổi thọ nguồn laser fiber là khoảng 100.000 giờ, điều này là không chính xác. Các nhà sản xuất nguồn laser fiber đều không khẳng định điều này.
Vậy vì sao có thông tin trên?
Trong nguồn laser fiber có sử dụng các diode laser và tuổi thọ theo lý thuyết của các diode laser dự kiến tối đa là khoảng 100.000 giờ. Nhiều đơn vị không biết vô tình hay cố ý đã dùng điều này để gán cho tuổi thọ nguồn laser fiber. Nên nhớ bên trong nguồn laser có thể chứa từ vài chục đến hàng trăm diode laser (tùy theo công suất) và hàng trăm linh kiện điện tử khác. Các diode laser có thể có tuổi thọ tối đa là 100.000 giờ nhưng không ai biết tuổi thọ tối thiểu của nó là bao nhiêu, và còn tuổi thọ của các linh kiện điện tử khác nữa.
Vậy nguồn laser fiber có bền không, có dễ bị hư hỏng hay không?
Trên thế giới có nhiều nhà sản xuất nguồn laser fiber. Mỗi nhà sản xuất đều có ưu và nhược điểm riêng nhưng nổi bật hơn hết là nguồn laser IPG của Châu Âu có ưu điểm có độ ổn định tốt, nên được sử dụng rất phổ biến, mặc dù giá cao. Và nguồn laser fiber của Trung Quốc có ưu điểm giá rẻ mặc dù độ ổn định không cao.
Theo quan sát trong nhiều năm chúng tôi nhận thấy có nhiều nguồn laser fiber của IPG đã hoạt động tại Việt Nam hơn 5 năm và hiện vẫn còn hoạt động tốt (Còn theo IPG thì có nhiều nguồn laser fiber của họ đã hoạt động 10 năm và vẫn đang còn hoạt động). Tuy nhiên, cũng có một số nguồn laser IPG cần thay thế linh kiện bên trong khi bước sang năm thứ 3.
Còn đối với nguồn laser fiber của Trung Quốc thì nhìn chung độ ổn định còn thấp, nhiều nguồn bị sự cố phải thay thế linh kiện sau 1 – 2 năm sử dụng.
Ngoài ra, tuổi thọ của nguồn laser fiber còn tùy thuộc vào điều kiện sử dụng và môi trường làm việc cũng như có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất khi lắp đặt, bảo trì hay không? Nếu lắp đặt không đảm bảo kỹ thuật thì có thể làm nguồn laser bị hư hỏng chỉ sau vài tháng đến 1 năm sử dụng.
Một số lỗi thường gặp của nguồn laser fiber
1. Lỗi nguồn điện PS alarm
Lỗi này thường liên quan đến nguồn điện cấp cho nguồn laser. Nguồn điện cấp cho nguồn laser thường qua bộ ổn áp, tuy nhiên nếu nguồn điện trồi sụt đột ngột, bộ ổn áp dùng động cơ DC sẽ không điều chỉnh kịp thời theo thì sẽ xảy ra lỗi này.
Cách khắc phục: Kiểm tra nguồn điện vào nguồn laser. Nếu quá cao hoặc quá thấp so với quy định thì phải điều chỉnh ổn áp về mức điện áp quy định. Sau đó reset nguồn laser là có thể tiếp tục làm việc. Ngoài ra nên dùng ổn áp sử dụng động cơ servo sẽ cho tốc độ điều chỉnh nhanh hơn giúp hạn chế lỗi này.
2. Lỗi Back reflection
Đôi khi cắt vật liệu có tính phản quang cao, tia laser bị dội ngược về nguồn laser thì cơ chế bảo vệ của nguồn sẽ báo lỗi.
Cách khắc phục: Reset lỗi trên phần mềm. Trường hợp cắt vật liệu phản quang cao như đồng, thau, nhôm… mà nguồn laser báo lỗi thì sau 2 lần reset nếu lỗi vẫn còn xảy ra thì không nên tiếp tục cắt các vật liệu phản quang này nữa. Nếu không nguồn laser có thể sẽ bị hư hỏng nặng.
3. Lỗi Fiber interlock
Trường hợp 1: Lỗi này xảy ra nếu đầu QBH của sợi cáp quang lắp vào mỏ cắt bị lỏng, dẫn đến không đóng tiếp điểm an toàn nên nguồn laser sẽ ngắt tia laser và báo lỗi. Hoặc khi đầu cắt laser nóng đến 70 độ thì cảm biến nhiệt trên mỏ cắt cũng truyền tín hiệu để nguồn laser ngắt tia laser và báo lỗi
Cách khắc phục: Kiểm tra và cắm chặt đầu QBH của sợi cáp quang vào mỏ cắt.
Trường hợp 2: Nếu đầu QBH đã cắm chặt vào mỏ cắt mà vẫn báo lỗi fiber interlock, thậm chí thử nối tắt 2 tiếp điểm (2 vòng tròn bằng thau) trên đầu QBH mà nguồn vẫn báo lỗi fiber interlock thì có khả năng dây tín hiệu bằng đồng bên trong sợi cáp quang bị đứt.
Cách khắc phục: Do nhà sản xuất nguồn laser không bảo hành sợi cáp quang, nên mặc dù chỉ bị đứt 1 sợi dây đồng bên trong, thì trường hợp này thông thường phải thay luôn cả sợi cáp quang (chi phí thay cáp quang khoảng 5000 USD). Nhiều người đã cố gắng tìm cách nối tắt tiếp điểm interlock ở phía nguồn laser nhưng đã thất bại. Do hệ thống vi xử lý bên trong nguồn laser fiber sẽ đo điện trở của tiếp điểm này và nó dễ dàng nhận biết tình trạng tiếp điểm bị nối tắt tại nguồn, thay vì phản hồi tín hiệu từ tiếp điểm trên đầu QBH của sợi cáp quang khi được lắp vào mỏ cắt. Mà ngay cả nếu nối tắt thành công thì cũng không nên vì sẽ bỏ qua tính năng an toàn theo thiết kế của nhà sản xuất, có thể xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Với lỗi này chúng tôi có thể khắc phục được mà không phải thay sợi cáp quang và vẫn đảm bảo tính năng an toàn như ban đầu.
4. Critical error
Đây là lỗi bên trong nguồn laser. Khi lỗi này xảy ra có một số trường hợp có thể reset lại được, có một số trường hợp thì không. Khi bị lỗi này hãy thử bật nút Aiming Beam, nếu tia đỏ vẫn còn phát ra đầu cắt thì nhiều khả năng sẽ reset được. Nếu không có tia đỏ thì chắc chắn 100% nguồn đã bị hư bên trong.
Để reset lỗi này cần có mã code từ nhà sản xuất nguồn laser. Nếu sau khi reset máy chạy lại bình thường thì ok. Trường hợp máy chạy cắt được vài chi tiết, nguồn laser lại báo lỗi này thì nhiều khả năng diode laser bị hư cần phải thay thế.
Một trong những nguyên nhân gây ra lỗi này là do hiện tượng dew point (điểm đọng sương). Khi nhiệt độ môi trường xung quanh nguồn laser cao, trong khi nhiệt độ nước làm mát chảy vào nguồn laser thì thấp, dẫn đến đọng sương bên trong nguồn laser làm hư hỏng linh kiện (cũng giống hiện tượng ly nước đá để ngoài môi trường thì có nước đọng ở thành ly). Cho nên việc bố trí nguồn laser fiber trong tủ hoặc phòng có điều hòa nhiệt độ là rất quan trọng, sẽ giúp nguồn laser hoạt động ổn định và bền hơn.
5. Lỗi cháy đầu cáp quang
Trong qua trình sử dụng, nếu để bụi lọt vào trong mỏ cắt lúc thay gương bảo vệ thì tia laser sẽ đốt cháy hạt bụi dẫn đến cháy gương hội tụ và / hoặc cháy đầu cáp quang. Nếu công suất nguồn laser càng lớn thì nguy cơ cháy đầu cáp quang càng cao. Vì với tia laser công suất lớn một hạt bụi rất mịn cũng có thể gây ra vấn đề.
Nếu quan sát kỹ sẽ thấy đầu cáp quang bị một vết lõm vào
Đối với nguồn laser fiber công suất lớn từ 6kW trở lên, rủi ro cháy đầu cáp quang khi lắp đặt cũng khá cao nếu không có đủ kỹ năng và không có tủ sạch (tủ được thiết kế như phòng sạch nhưng có kích thước nhỏ, có thể vận chuyển dễ dàng) để triệt tiêu bụi trong quá trình lắp đầu cáp quang vào mỏ cắt.
Một nguyên nhân nữa là do sử dụng các phụ kiện không chính hãng, như gương, béc cắt rẻ tiền về lâu dài cũng sẽ giảm tuổi thọ nguồn laser.
Cách khắc phục: Lỗi này thông thường cũng phải thay sợi cáp quang. Tuy nhiên nếu vết cháy nhẹ và không quá nghiêm trọng thì chúng tôi có thể xử lý được.
6. Lỗi đứt cáp quang
Sợi cáp quang rất nhỏ chỉ từ 50-450 um (micro mét) và được bọc trong lớp vỏ màu vàng. Đặc điểm của sợi cáp quang là giòn, không chịu được lực vặn, xoắn. Nên nếu không biết cách thì rất dễ làm đứt cáp quang.
Đối với lỗi này thì không còn cách nào khác là phải thay sợi cáp quang.
Thông tin liên hệ:
Công ty Cổ Phần Công Nghệ Sơn Vũ
B11/10 Khu phố 2, thị trấn Tân Túc, H. Bình Chánh, Tp. HCM
Điện thoại: 028 2262 9898 – Hot line: 090 818 2124 (Mr. Sơn)
Email: Sales@sonvucnc.com